Bài 1: RỐI LOẠN HÀNH VI Ở TRẺ EM
Rối loạn hành vi ở trẻ em: Khi những biểu hiện “nghịch ngợm” là dấu hiệu của một vấn đề sâu xa
Không ít phụ huynh từng than phiền rằng con mình “quá bướng bỉnh”, “không nghe lời”, thậm chí “thích làm trái quy tắc”. Tuy nhiên, khi những hành vi đó kéo dài, ngày càng nghiêm trọng, vượt qua giới hạn bình thường của sự phát triển tâm lý – đó có thể không còn là những biểu hiện nghịch ngợm thông thường, mà là dấu hiệu của rối loạn hành vi – một trong những bệnh lý tâm thần thường gặp ở trẻ em và vị thành niên, nhưng lại dễ bị bỏ sót.

Rối loạn hành vi là gì?
Rối loạn hành vi (CD) là những bất thường về vấn đề hành vi và cảm xúc, khiến người bệnh có những hành vi trái ngược, phản nghịch với lẽ thường. Đây là một rối loạn phát triển, biểu hiện bởi một tập hợp các hành vi kéo dài theo thời gian, thường được đặc trưng bởi sự gây hấn, vi phạm chuẩn mực xã hội hoặc quyền lợi của người khác. Những hành vi này không chỉ gây ra khó khăn trong học tập, trong các mối quan hệ xã hội mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển tâm lý và nhân cách của trẻ.
Biểu hiện không chỉ là “nghịch phá”
Trẻ có rối loạn hành vi thường có những hành động gây tổn hại, không chỉ về vật chất mà cả tinh thần cho người khác hoặc chính bản thân. Các biểu hiện phổ biến có thể được chia thành 4 nhóm chính:
– Tấn công thể chất hoặc đe dọa người khác, như đánh bạn, gây hấn với người lớn, hoặc dùng lời nói, hành động để đe dọa.
– Phá hoại tài sản, từ việc làm hỏng đồ dùng trong nhà cho đến hành vi có chủ ý gây thiệt hại nghiêm trọng.
– Lừa dối và trộm cắp, như nói dối thường xuyên, lấy đồ không xin phép, hoặc gian lận.
– Vi phạm quy tắc xã hội phù hợp với lứa tuổi, chẳng hạn như trốn học thường xuyên, bỏ nhà đi mà không báo, hoặc có những hành vi vượt ngoài giới hạn kiểm soát của cha mẹ và thầy cô.

Mối liên hệ với các rối loạn tâm thần khác
Một điểm quan trọng nhưng thường bị bỏ qua là RLHV hiếm khi tồn tại một cách đơn độc. Trẻ mắc RLHV có nguy cơ cao mắc kèm các rối loạn tâm thần khác như:
– Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) – khiến trẻ dễ bốc đồng, thiếu kiểm soát hành vi.
– Rối loạn cảm xúc, đặc biệt là lo âu, trầm cảm – có thể ẩn sau vẻ ngoài nổi loạn.
– Rối loạn học tập, làm tăng thêm áp lực và dễ dẫn đến hành vi tiêu cực để phản kháng.
Sự chồng chéo giữa các rối loạn này tạo thành một mạng lưới ảnh hưởng lẫn nhau, khiến quá trình phát hiện và điều trị RLHV càng trở nên phức tạp nếu không có sự can thiệp sớm và đúng hướng.
Cần thấu hiểu – không chỉ là kỷ luật
Việc tiếp cận trẻ bị rối loạn hành vi không thể chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hay răn đe. Những hình phạt vô thức đôi khi chỉ khiến trẻ lún sâu hơn vào cảm giác bị từ chối và chống đối. Thay vào đó, điều quan trọng là sự kết hợp giữa hỗ trợ tâm lý, giáo dục hành vi và điều trị y khoa, nếu cần thiết.

Tại Phòng khám chuyên khoa Tâm thần Hoàng Yến, chúng tôi thấu hiểu rằng mỗi hành vi bất thường đều là một lời kêu cứu ngầm từ trẻ. Thông qua việc đánh giá chuyên sâu, tư vấn tâm lý và đồng hành cùng phụ huynh, các bác sĩ chuyên khoa tại đây luôn đặt mục tiêu hướng tới sự hồi phục toàn diện – không chỉ kiểm soát hành vi mà còn nuôi dưỡng khả năng thích ứng xã hội, giúp trẻ lấy lại sự cân bằng và phát triển đúng hướng.
Bài 2: RỐI LOẠN TĂNG ĐỘNG GIẢM CHÚ Ý Ở TRẺ EM: HIỂU ĐỂ ĐỒNG HÀNH
ADHD là gì?

Rối loạn Tăng động Giảm chú ý (ADHD) là một trong những rối loạn phát triển thần kinh phổ biến nhất ở trẻ em. Trẻ mắc ADHD thường khó tập trung chú ý, hành động bốc đồng, và vận động quá mức so với lứa tuổi. Những biểu hiện này không chỉ gây trở ngại trong học tập mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển cảm xúc và kỹ năng xã hội của trẻ.
Dịch tễ học ADHD: Không phân biệt biên giới
Theo các nghiên cứu quốc tế và trong nước:
• Tỷ lệ mắc ADHD trên thế giới dao động khoảng 3–5%, không có nhiều khác biệt giữa các quốc gia.
• Tại Việt Nam, nghiên cứu của Đặng Hoàng Minh (2013) cho thấy 4% trẻ em có vấn đề về chú ý.
• Tỷ lệ mắc bệnh ở bé trai cao hơn nhiều lần so với bé gái. Một số thống kê cho thấy tỷ lệ nam:nữ có thể lên tới 11,7:1 (Nguyễn Thế Mạnh, 2010).
• ADHD thường khởi phát sớm, với tuổi trung bình được phát hiện là 6,56.

Dịch tễ học ADHD: Không phân biệt biên giới
ADHD được chia thành 3 nhóm triệu chứng chính, với các mức độ từ nhẹ đến nặng:
1. Giảm chú ý
• Dễ mắc lỗi trong học tập, lơ đãng, khó duy trì sự tập trung.
• Không hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc sinh hoạt hằng ngày.
• Hay mất đồ vật, quên việc và bị chi phối bởi các yếu tố xung quanh.
2. Tăng vận động
• Cử động liên tục, không yên, chạy nhảy không đúng nơi, khó ngồi lâu một chỗ.
• Không tuân thủ quy tắc trong các hoạt động nhóm hoặc trò chơi.
• Dường như không biết mệt.
3. Xung động
• Trả lời trước khi người khác nói hết câu.
• Không kiên nhẫn chờ đến lượt.
• Ngắt lời người khác, nói quá nhiều.
Chẩn đoán theo ICD-10
Để được chẩn đoán ADHD theo phân loại ICD-10, trẻ cần có ít nhất:
• 6/9 triệu chứng giảm chú ý,
• 3/5 triệu chứng tăng vận động
• 1/4 triệu chứng xung động, với tần suất cao và kéo dài.

Khi nào cần can thiệp?
Nếu cha mẹ nhận thấy con có những biểu hiện bất thường như không thể tập trung, không kiểm soát hành vi, hoặc ảnh hưởng đến khả năng học tập – hãy đưa trẻ đến khám chuyên khoa càng sớm càng tốt. ADHD không phải là một “sự nghịch ngợm bình thường”, mà là một rối loạn thực sự cần được đánh giá và điều trị đúng cách.
Tại Phòng khám Chuyên khoa Tâm thần Hoàng Yến
Chúng tôi cung cấp các dịch vụ khám – chẩn đoán – tư vấn – can thiệp sớm dành cho trẻ có dấu hiệu rối loạn tăng động giảm chú ý. Với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và phương pháp tiếp cận tâm lý – giáo dục toàn diện, chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng gia đình để giúp trẻ phát triển đúng hướng.